Chuyên gia tuyển sinh chỉ cách “học một ngành nhưng làm được nhiều nghề”

18ece61ea1 4877 407b 964b b4c5b5b00f60 1

Kinhtedothi – Tại mùa tuyển sinh năm 2024, việc chọn ngành như thế nào để hạn chế tình trạng làm trái ngành, trái nghề sau khi ra trường tiếp tục là băn khoăn của thí sinh, phụ huynh. Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên để các em có thể học một ngành nhưng làm được nhiều nghề.

Nhiều sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, hiện nay có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Do vậy các thí sinh có rất đa dạng sự lựa chọn về trường học, ngành học.

Học sinh nghe các chuyên gia tư vấn chọn ngànhHọc sinh nghe các chuyên gia tư vấn chọn ngành

Tuy nhiên, cơ hội được mở rộng, sự thuận lợi càng tăng thì sự lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh lại có phần khó khăn hơn. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, các em băn khoăn làm thế nào chọn được những nguyện vọng phù hợp nhất với sở trường của mình, phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và có cơ hội việc làm ở tương lai.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội đôi khi làm cho học sinh, phụ huynh bị rối; thậm chí hiểu lệch, hiểu không đúng về ngành, nghề nào đó.

“Mỗi năm, số lượng thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học khoảng 600.000 em, nhưng số lượng nhập học chính thức chỉ đạt khoảng 80%, như vậy 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Điều này cho thấy khi các em đăng ký nguyện vọng đến lúc các em lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau. Ngoài ra, sau năm thứ nhất thì khoảng 5 – 7% sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại. Như vậy, số em đã chọn sai hay chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin.

Bày tỏ về việc chọn lựa ngành học, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho rằng: Chọn ngành, chọn nghề liên quan đến cả tương lai rất dài. Không phải chọn rồi thì sinh viên bị bó buộc vào ngành đó. Mỗi sinh viên có rất nhiều cơ hội. Quan trọng là các em chiếm lĩnh cơ hội đó như thế nào.

Học một ngành nhưng làm được nhiều nghề

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), việc học đại học hiện nay đã có nhiều thay đổi, đó là đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực; điều này tạo điều kiện tốt để sinh viên có một nền tảng rộng. Mỗi sinh viên cần tạo lập cho mình phương pháp học tập, tự học để có thể học tập suốt đời.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)

“Các em không phải chỉ học 4 năm, 5 năm hay 6 năm đại học là dừng mà phải học nữa, phải cập nhật để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ, của khoa học kỹ thuật như vũ bão. Việc học đại học hay cao đẳng chỉ là những bước đầu tiên, là nền tảng quan trọng nhất cho mỗi học sinh, sinh viên phương pháp để đi con đường dài, phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình. Các em học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề”, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy khẳng định.

Theo đó, các học sinh sinh viên hãy học không phải vì bằng cấp, mà vì sự phát triển của chính bản thân, phải đóng góp cho gia đình, làm thay đổi những gì còn chưa tốt cho xã hội. Ngoài ra, nếu học thêm yếu tố về công nghệ, học kỹ năng mềm có thể áp dụng trong lĩnh vực theo đuổi, đào sâu nghiên cứu chuyên sâu thì khi bước ra đường đời có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn rất nhiều

Ngay từ đào tạo phổ thông đã có nhiều khóa học, học phần liên quan định hướng nghề nghiệp. Đây là cơ hội để học sinh khám phá bản thân xem thế mạnh của mình ở đâu, niềm đam mê của mình là gì, mong muốn cống hiến và tiếp tục đào sâu ở đâu; từ đó có thể tự định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Lên bậc đại học, các giảng viên sẽ tiếp tục mài giũa, chắp cánh cho ước mơ của các em.

Còn PGS.TS Nguyễn Thị Hiền đưa ra lời khuyên: Các thí sinh hãy cho mình nhiều cơ hội bằng cách tạo cho mình nhiều năng lực cốt lõi. Các em không nên học một ngành duy nhất mà hãy học theo hướng tiếp cận liên ngành.

Một sinh viên học Kinh tế có thể học thêm Luật, Khoa học dữ liệu… dưới một hình thức khác, không nhất thiết có thêm bằng nữa nhưng có khối lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó tốt, có năng lực vượt trội trong tương lai. Nếu giỏi một ngành nào đó nhưng tự mở rộng kiến thức liên ngành, đa ngành và đẩy năng lực của mình tới mức rất cao thì việc tìm kiếm việc làm, đạt được mức lương như mong muốn là điều không khó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *