Phát triển nhà ở xã hội – Bài 2: Góc nhìn của người trong cuộc

nha o xa hoi 542024a 1

Câu chuyện lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội, giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng đang là trăn trở của các chuyên gia, người làm chính sách cũng như người thụ hưởng. Tất cả đều hướng tới mục tiêu sử dụng hiệu quả gói tín dụng này để doanh nghiệp tham gia tăng nguồn cung; người dân đón nhận, thụ hưởng ưu đãi từ chính sách để hiện thực hóa giấc mơ “an cư”.

Chú thích ảnh

Câu chuyện lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội, giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng đang là trăn trở của các chuyên gia, người làm chính sách cũng như người thụ hưởng. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV: Đơn giản điều kiện cho vay

Trong thời điểm hiện nay, cần tăng nguồn cung nhà ở xã hội, do vậy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung. Tuy nhiên, vẫn cần đơn giản hóa tối đa điều kiện cho vay đối với nhóm này.

Khi dự án phát triển nhà ở xã hội đã được phê duyệt thì việc cho vay sẽ theo lộ trình của dự án nên không sợ nguồn vốn đó thất thoát. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% không có nhiều ý nghĩa mà phải cam kết mức lãi suất cụ thể là bao nhiêu để doanh nghiệp chủ động. Ngoài ra, vẫn phải dùng ngân sách để hỗ trợ chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Hiện gói chính sách 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhưng hầu như không giải ngân được. Theo tôi Chính phủ có thể đề nghị chuyển gói 40.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 43/2022/QH15 sang chương trình hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp. Như vậy, vừa đạt được đúng mục tiêu có dự án, đúng đối tượng và không sợ cho vay sai. Đặc biệt, cần tăng thời hạn cho vay đối với nhóm dự án này để đảm bảo ít nhất đủ một chu kỳ cho doanh nghiệp đầu tư, thu hồi vốn.

Ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân: Mở rộng đối tượng thụ hưởng

Thực tế đã ghi nhận, tất cả các địa phương, bộ, ngành đều ủng hộ Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Việc phát triển nhà ở xã hội đã có kết quả rõ rệt hơn so với trước khi có chương trình này.

Cùng đó, các luật sửa đổi mới được thông qua như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp kiến nghị, chương về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) nên áp dụng từ 1/7/2024 thay vì chờ đến ngay luật có hiệu lực là 1/1/2025. Như vậy, sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc và thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là chương trình rất nhân văn nhưng doanh nghiệp băn khoăn là tại sao gói tín dụng này không áp dụng cho những khách hàng đã mua nhà tại dự án đã hoàn thành. Trước đây, có gói 30 nghìn tỷ đồng nhưng sau đó dừng nên nhiều khách hàng là người dân, công nhân, lực lượng vũ trang khi mua nhà không được hưởng ưu đãi từ gói này. Chúng tôi kiến nghị gói 120 nghìn tỷ đồng nên dành cho cả khách hàng đã mua những dự án đã hoàn thành nhưng chưa được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi.

Mặt khác, gói vay 120 nghìn tỷ đồng chưa có sự đồng bộ thời gian vay giữa chủ đầu tư và khách hàng. Khách hàng thì được vay 5 năm nhưng chủ đầu tư chỉ có vay 3 năm và nhiều ngân hàng đề nghị chủ đầu tư phải bảo lãnh cho khách hàng khi vay vốn mua nhà ở xã hội. Như vậy, nếu khách hàng là 5 năm thì chủ đầu tư cũng nên được hưởng biên độ vay 5 năm. Doanh nghiệp rất mong Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thêm vấn đề này.

Ngoài ra, Chính phủ có thể nghiên cứu dành ra một khoản từ 1-2% bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Khi có việc bù lãi suất thì chương trình này sẽ thành công.

Ông Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường: Tránh tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”

Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” thì với doanh nghiệp đã có phần đất sạch lại được hỗ trợ tài chính sẽ không có gì phải lo lắng. Bởi, các chính sách được ban hành đều tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp.

Về chính sách tài chính, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói ưu đãi, nhiều gói hỗ trợ lãi suất và ngân hàng cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn đóng góp vào việc xây dựng nhà ở xã hội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *