Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội đã triển khai được gần 1 năm. Nguồn vốn đã sẵn sàng nhưng số tiền được giải ngân chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Những vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, nguồn cung nhà ở xã hội… đã được nhận diện. Nhưng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tìm ra được điểm nghẽn từ chính những người dân mua nhà, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi của người có thu nhập thấp là bài toán đặt ra với các ngân hàng.
Giảm áp lực trả lãi ngân hàng
Có cầu thì mới có cung, nhu cầu mua nhà ở xã hội là yếu tố then chốt thúc đẩy thị trường này phát triển. Trên thực tế, nhiều người có nhu cầu ở thực và đáp ứng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội lại đang gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà do mức thu nhập khiêm tốn.
Trong khi đó, dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nhưng lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 vẫn ở mức 7,5%/năm đối với người mua nhà, áp dụng trong vòng 5 năm.
Là công nhân tại Hà Nam, anh Chu Văn Quang cho biết với mức lãi suất vay ngân hàng hiện nay, không dễ để mua được nhà ở xã hội.
Giá nhà ở xã hội thấp nhất hiện nay khoảng 20 triệu đồng/m2. Như vậy, một căn hộ 50m2 sẽ khoảng 1 tỷ đồng. Nếu vay ngân hàng 700-800 triệu đồng theo hạn mức tối đa được phép với lãi suất 7,5%/năm thì số tiền lãi phải trả từ 52-60 triệu đồng/năm, tương ứng từ 4,4-5 triệu đồng/tháng.
“Với tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ từ 12-14 triệu đồng/tháng thì riêng số tiền trả lãi ngân hàng cũng đã rất áp lực chứ chưa tính đến việc trả nợ gốc”, anh Quang chia sẻ.
Thêm vào đó, anh Quang cũng lo lắng sau khi kết thúc thời gian ưu đãi chỉ 5 năm, lãi suất cho vay sẽ thả nổi theo thị trường, những người có thu nhập thấp như vợ chồng anh sẽ khó có thể trả nợ.
Bàn về lãi suất, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) phân tích bản chất gói 120.000 tỷ đồng là gói tín dụng từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng, không có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, cơ sở xác nhận lãi suất cho vay là lãi suất cho vay thương mại bình quân của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Do đó, để có được lãi suất thực sự phù hợp hơn nữa với người mua nhà, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, ông Sơn đề nghị Chính phủ xem xét thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội.
“Trên cơ sở nguồn ưu đãi này, lãi suất cho vay có thể xem xét thấp hơn lãi suất cho vay thương mại bình thường trên thị trường. Cần huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò đầu mối”, đại diện VietinBank cho hay.
Ở một khía cạnh khác, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã đề xuất 1 gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất cố định là 4,8%/năm trong vòng 5 năm như Ngân hàng Chính sách xã hội; đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép xem xét về khung tín dụng, bù đắp chính sách lãi suất và rủi ro.
Về thời gian ưu đãi, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) khẳng định sau 5 năm ưu đãi, ngân hàng sẽ có lãi suất thả nổi, phù hợp và hỗ trợ với đối tượng này.
Đẩy nhanh giải ngân